Wednesday, 16 February 2011

Xuân reo miền biên giới

 


Xuân về, miền biên viễn vốn heo hút xưa kia càng chứng tỏ sự chuyển mình, hòa nhập với bạn bè gần xa.


Điểm nhấn Đông Dương


Tối mùng 4 Tết Tân Mão, gió từ cửa sông ào vào bến tàu Châu Đốc mát lạnh. Đèn trên boong tàu du lịch cao cấp KV.Tunle Pandaw 2 tầng 33 phòng (đôi) đang cặp sát ponton bến tỏa sáng một góc sông. Nhiều du khách thả bộ lên bờ, có người đung đưa trên ghế sopha hoặc tựa lan can tàu với ly rượu cầm tay…


Thuyền trưởng Hoàng Xuân Hà, người trên 20 năm lênh đênh trên sóng nước Mekong, cởi mở: “Tàu của Myanmar, quốc tịch Campuchia, chủ là người New Zealand. Tàu chạy tuyến Siêm Riệp – TPHCM và ngược lại. Pandaw cung ứng dịch vụ hoàn hảo, một nhân viên phục vụ cho hai khách. Tất cả những người mua vé của Pandaw đều là VIP và nhận được cùng mức độ dịch vụ và chăm sóc trên sông. Trên 60 khách Australia đều đặt chỗ qua mạng…”.


Châu Đốc luôn hấp dẫn khách du lịch bởi nền văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc của đồng bào Kinh, Khmer, Chăm, Hoa cùng cảnh vật núi sông hoang sơ, hùng vĩ. Làng Chăm, làng bè, chợ Châu Đốc… là những điểm tham quan, tìm hiểu văn hóa bản địa của du khách. Thuyền trưởng Hà nói, ngay đêm giao thừa các vị khách tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, thích thú khi pháo hoa sáng bừng công viên tượng đài cá basa.


 


tranngaphanghoatrongsieuthiTinhBien 


Ngập tràn hàng hóa trong siêu thị Tịnh Biên


 


Du ngoạn, khám phá dòng Mekong đã ngày càng thu hút sự chú ý của khách du lịch trên thế giới. “Trung bình hơn 3.000 USD/khách cho tour 7 ngày bồng bềnh trên dòng Mekong mà có khi phải đợi hàng tháng mới được xác nhận có chỗ trên tàu”. Thuyền trưởng Hà cho biết tần xuất hoạt động của tàu ông 4 lần/tháng, nhận khách ở cả hai đầu. “Bắt đầu hoạt động từ năm 2003, hiện công ty có 3 chiếc đang chạy trên tuyến này. Tháng 10 năm nay sẽ đưa ra một tàu lớn hơn chiếc này vào hoạt động”.


Bến tàu Du lịch Châu Đốc tọa lạc trên khu đất rộng trên 5.000m2 ngay ngã ba sông, mặt tiền xuôi theo đường Lê Lợi – trục giao thông chính dẫn vào nội ô thị xã Châu Đốc có lối kiến trúc khá ấn tượng với dáng hình một chiếc tàu đang neo đậu. Lê Minh Quang, Giám đốc bến tàu cho biết, lượng tàu và khách qua lại nơi đây ngày càng tăng. Khách tập kết tại đây, tham quan rồi ngược dòng lên cửa khẩu Vĩnh Xương, nhập cảnh Campuchia rồi lên tận Phnôm Pênh, Siêm Riệp.


Ngoài các tàu du lịch cao cấp từ nước bạn xuôi về còn có rất nhiều công ty, đơn vị Việt Nam nhận khách du lịch bằng đường thủy sang Campuchia. Lịch tàu đến và đi từ hai hướng Campuchia và TPHCM của bến tàu Châu Đốc ken cứng từ tháng 1 đến tận tháng 4-2011 với cả trăm lượt tàu thuyền qua lại. “Chúng tôi đang nâng cấp bến tàu, có thể tháng 4 này sẽ hoàn thành một số hạng mục. Việc nối dài, xây mới ponton để tiếp nhận thêm tàu cũng được tính đến”, Giám đốc Quang thông báo. Hướng mở đầy tiềm năng cho du lịch đường thủy Việt Nam. Cửa sông dậy sóng.


Biên cương yên bình


Từ Cần Thơ đến cửa khẩu Tịnh Biên dài gần 200km chạy xe hơi khoảng hơn 2 giờ, nhưng mùng 4 Tết gần cả giờ mới thoát ra được rừng xe dồn cứng ngay đường vào thị xã Châu Đốc. Trong cao điểm tết, Khu Du lịch núi Cấm đón gần 60.000 lượt khách, tăng 18% so với tết năm ngoái. Khu Du lịch núi Sam chưa vào mùa cao điểm nhưng mỗi ngày có trên 5.000 lượt người đến hành hương.


 


nhungduatrelangcham 


Những đứa trẻ làng Chăm


 


Siêu thị miễn thuế Tịnh Biên ngày tết tràn ngập hàng hóa mang nhãn mác từ các nước châu Âu, châu Mỹ với giá mềm hơn bên ngoài 15-20%. Trí Hải, chủ doanh nghiệp siêu thị hàng Thái Lan nói anh nhập hàng ngay nơi sản xuất nên giá thành hạ, đúng chuẩn hơn và doanh thu mỗi ngày xấp xỉ 100 triệu đồng. Khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên đã góp phần tạo nên một đô thị biên giới, một đầu tàu kéo miền quê heo hút cuối trời Nam của Tổ quốc lao nhanh về đích.


Thương mại – dịch vụ chiếm trên 50% trong cơ cấu kinh tế địa phương. Doanh số của các siêu thị miễn thuế trên 1 tỷ đồng/ngày; tạo việc làm cho gần 500 lao động địa phương, thu nhập bình quân 1,8 triệu đồng/người/tháng. Mỗi ngày có trên 200 người dân huyện Tịnh Biên qua nước bạn buôn bán, giàu lên thấy rõ. Chợ Tịnh Biên ngay chân cầu Hữu Nghị cũng đủ loại hàng hóa Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc từ gạo, bánh ngọt, khoai tây chiên, dầu gội đầu, sữa tắm đến bòn bon, măng cụt, chà là, me… Nhìn những đoàn xe lớn chất đầy hàng Việt nối đuôi nhau chờ ở cửa khẩu để sang đất bạn, chợt nhớ có lần tại Phnôm Pênh, ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Hội Người Việt Nam ở Campuchia thông báo thị trường Campuchia là trung tâm giao lưu hàng hóa của toàn khu vực.


Hàng Việt Nam đang chiếm thế thượng phong so hàng Thái. Kinh tế biên mậu, đặc biệt các cửa khẩu chính là bệ phóng. Trên 100.000 Việt kiều đang sinh sống tại Campuchia sẽ là cầu nối rất tốt để các doanh nghiệp Việt Nam bắt nhịp kinh doanh. Ngành du lịch An Giang cũng nhanh nhạy khai thác sản phẩm mùa nước nổi gắn với khu thương mại sầm uất nhất nhì biên giới Tây-Nam này.


Thị xã biên giới Châu Đốc gồm 4 phường 3 xã, có 2 xã giáp biên là Vĩnh Tế – Vĩnh Ngươn tết về rợp màu cờ đỏ. Bé Tư ở khách sạn Lâm Hưng Ký nói nếu không có người quen đặt phòng trước thì dịp này khách vãng lai có thể qua đêm… ở vỉa hè. Châu Đốc, nơi đầu nguồn dòng Mekong đi vào đất Việt đậm đặc đặc trưng châu thổ. Nơi đây có một Chămpa giữa lòng châu thổ với những cô gái mắt đen huyền giấu sau vành khăn bên khung dệt thổ cẩm trong những ngôi nhà sàn; là “Vương quốc mắm” ngập đầy hương quê; là nơi khởi nguồn cho trận chiến “cá da trơn” chao đảo thị trường Hoa Kỳ, nơi bồng bềnh làng nổi (bè) có lịch sử cả trăm năm…


“Đó là lý do chúng tôi tới đây”, đứng trên nhà bè trị giá hơn tỷ bạc của chú Út, một du khách Đức nói vậy. Hẹn ngày giao cá đầu năm cho một doanh nghiệp xong, chú Út quay lại chia sẻ: Lứa này nuôi khi giá thức ăn chưa lên nên thắng. Bốn đứa con vô được đại học cũng nhờ nuôi cá trên khúc sông này. Dù nghề này đã qua thời hoàng kim nhưng gia đình vẫn còn hai bè lớn và không kể nhiều hầm khác nuôi trên đất liền…


Châu Đốc đang phấn đấu xây dựng thành một đô thị du lịch ở miền Tây. Khu du lịch núi Sam quy hoạch lại lên gấp 3 lần diện tích hiện tại (hơn 900ha) bao gồm nhiều hạng mục dân cư, vui chơi giải trí, công viên, vườn tượng, phát triển cửa khẩu phụ Vĩnh Ngươn…


Sáng lên, du khách nước ngoài háo hức leo xuống những chiếc ghe tỏa khắp ngã ba sông. Một hình ảnh thật đẹp cho sự phát triển của miền biên viễn vốn heo hút xưa kia nay hòa vào sự chuyển mình của cả nước và hòa nhập với bạn bè gần xa.


VŨ THỐNG NHẤT

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.metinfo.vn/blog/?p=6415

No comments:

Post a Comment