Tuesday, 3 May 2011

Du lịch ĐBSCL: Nặng sông, nhẹ biển (2)

Bài 2: Biển gọi


Vũ Thống Nhất


Biển đâu chỉ có cá


Với lợi thế 8/13 tỉnh thành giáp biển, ĐBSCL tạo ra nguồn lợi thủy sản vô cùng lớn cho cả nước. Chỉ tính riêng vùng biển Tây (vịnh Thái Lan) hai tỉnh Cà Mau và Kiên Giang đã có trên 500km bờ biển. Hải phận Kiên Giang có 63.290km² ngư trường, khoảng 8.000 tàu, ghe đánh cá lớn nhỏ địa phương và khoảng 3.000 tàu ghe đến từ các tỉnh khác. Ngư trường Cà Mau còn lớn hơn nữa, khoảng 80.000km², hải sản nhiều hơn, đa dạng hơn nhờ phù sa và nước ngọt sông Cửu Long đem lại nhiều dinh dưỡng, khoáng chất.


Kiên Giang có trên 100 hòn đảo lớn nhỏ, Cà Mau có ưu thế nhiều đảo cận bờ đậm nét nguyên sơ như Hòn Khoai, Hòn Chuối… nước trong, cát trắng chạy dài ngút mắt. Mũi Nai Tây Nam Hà Tiên có Hòn Chồng cách bờ chừng 100m, rồi quần đảo Hải Tặc. Gần bãi Hòn Chông là Hòn Trẹm, cát trắng phau. Chùa Hang ẩn sâu dưới mặt đất 40m vang vọng tiếng chuông chùa trên thạch nhũ. Phú Quốc, hòn ngọc châu Á có 99 ngọn núi thắng cảnh, ngoài công nghệ sản xuất 6 triệu lít nước mắm mỗi năm còn được Tổ chức Du lịch thế giới xếp vào danh sách 12 hòn đảo nổi tiếng nhất của thế giới…


Mấy năm gần đây, ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực mang lại bộ mặt mới cho du lịch nhưng sự phát triển đó chưa tương xứng với tiềm năng. Vẫn chỉ quẩn quanh du lịch sinh thái vườn chim, rừng tràm, miệt vườn, sông nước. Dòng khách du lịch biển – đảo chưa tạo thành vệt, chưa thành dấu ấn. Muốn đi Côn Đảo (cách tỉnh Hậu Giang cũ khoảng 85km, với hơn 2 giờ đồng hồ trong khi đi từ Vũng Tàu khoảng cách xa gấp đôi) người dân vẫn phải ngược lên TPHCM. Ngay cả đảo ngọc Phú Quốc, dù lượng khách tăng hàng năm cũng để lại nhiều nuối tiếc do du lịch phát triển chưa mang tính chuyên nghiệp, hạ tầng chưa tương xứng.


Có lên thượng nguồn, nhìn những chiếc thuyền nhỏ bé chuẩn bị ngược dòng Mekong sang đất bạn “e ấp” bên cạnh những chiếc tàu du lịch cao cấp 2 – 3 tầng quốc tịch nước ngoài sừng sững neo bến đợi xuôi về hạ lưu mới cảm nhận hết nỗi buồn: Ta còn thua sút lắm khi khai thác con sông huyền thoại này. Mong ước cảnh tấp nập du lịch biển như vịnh Hạ Long hay Nha Trang đã khó chứ chưa nói đến Phuket, Pattaya (Thái Lan)…


Biển Tây vẫy gọi


Biển Tây có ưu thế lớn bởi từ xa xưa “con đường tơ lụa” đã có những tàu buồm lớn ngược dòng Mekong… Việc hợp tác mở tuyến du lịch biển ven vịnh Thái Lan nối Phú Quốc (Việt Nam) – Sihanoukville (Campuchia) – Chanthaburi (Thái Lan) đã được khởi động từ năm 2005, chính thức ký kết từ tháng 11-2007 và được Chính phủ cùng ngành du lịch 3 nước ủng hộ.


Hai lần góp mặt tại Chanthaburi, nơi có 8.000 người Việt, đông nhất Thái Lan đều được nghe ngài Phó tỉnh trưởng nói về tuyến du lịch biển. “Chanthaburi rất vui mừng được đón tiếp đoàn và mong rằng sự hợp tác sẽ ngày càng phát triển, không chỉ trong du lịch mà trên nhiều lĩnh vực khác. Du khách Thái Lan quan tâm đến đảo Phú Quốc, nơi còn giữ được nhiều bãi biển đẹp. Chúng tôi đang đề xuất cho phép đóng tàu biển khai thác tuyến này”. Rõ ràng, nếu ngành du lịch Việt Nam và các tỉnh ven biển Tây Nam bộ không có những quyết sách kịp thời, cơ hội khai thác loại hình du lịch biển sẽ vụt mất, rơi vào tay các nước kế cận.


Kiên Giang từng giới thiệu “vòng cung du lịch” với điểm khởi nguồn từ Phú Quốc, Hà Tiên vươn tới một loạt điểm du lịch nổi tiếng thuộc tiểu vùng sông Mekong (Chanthaburi, Pattaya, Bangkok – Thái Lan; Kep, Kampot, Sihanoukville, KohKong – Campuchia) nhằm tạo ra dòng khách đa chiều. Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang từng nhận định khả quan về tuyến du lịch này và cho rằng, nếu mở rộng liên kết với TPHCM và sân bay quốc tế Phú Quốc hoàn thành, ngành “công nghiệp không khói” trong khu vực sẽ có bước ngoặt lớn.


Mekong, con đường liên vận quốc tế


Có rất nhiều thuận lợi để phát triển du lịch biển ven vịnh Thái Lan như cơ chế chính sách, hành lang pháp lý giữa 3 quốc gia; chiến lược phát triển kinh tế biển của Chính phủ, định hướng phát triển du lịch ĐBSCL đến 2020… Air Mekong đã mở đường bay trực tiếp Hà Nội – Phú Quốc, đường hành lang ven biển phía Nam ở ĐBSCL có tổng chiều dài 220km thuộc 2 tỉnh Kiên Giang và Cà Mau sẽ kết nối với đường hành lang ven biển từ Bangkok (Thái Lan) đến Phnom Penh – cảng Sihanoukville (Campuchia)…


Xu hướng du lịch biển gia tăng trên thế giới, trong đó điểm nhấn là Đông Nam Á với sông Mekong huyền thoại. Lượng khách trao đổi của 3 nước trong vịnh Thái Lan những năm gần đây rất khả quan. Campuchia đã chuyển dịch nhiều tour du lịch từ Thái Lan sang Việt Nam vì việc mở nhiều cửa khẩu biên giới giữa hai nước. Ông Lê Đình Tuấn, Tổng giám đốc Hội đồng quản trị Viet Excursions, nói: “Một tàu du lịch đến Việt Nam cung cấp trung bình gần 100 khách đặt tour đi Campuchia và sau đó trở về Việt Nam để tiếp tục hành trình của họ”. Angkor Wat tại Siem Riep cũng như nơi khác của bạn cũng đang rất hút khách Việt Nam.


dulichdbscl_nangsongnhbien_bai2_1


Trên du thuyền sông Hậu


“Hướng ra biển Tây” đã từng được đề cập từ nhiều năm trước. Năm 2008, Kiên Giang đã khai trương tuyến du lịch đường biển quốc tế Phú Quốc – Sihanoukville đưa tàu du lịch năm sao Jupiter Cruise cao 7 tầng, 400 buồng với tổng sức chứa 1.000 khách vào hoạt động. Cuối năm này, theo đúng cam kết, tàu Hải Âu khởi hành từ Kiên Giang đi theo tuyến, đến tận Chathaburi nhưng sau đó không thể tiếp tục (chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn hàng hải quốc tế). Công ty cổ phần Công nghiệp tàu thủy – vận tải Cần Thơ cũng đưa tàu cao tốc Cawaco chạy tuyến Cần Thơ – Phnom Penh… Đến nay tất cả chỉ là hoài niệm, là những bài học quý khi mở tuyến du lịch ven biển Tây.


Có rất nhiều thách thức đối với loại hình này. Ông Huỳnh Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, nói: “Hệ thống cảng biển cùng dịch vụ nối kết tương xứng; đội ngũ nhân lực, tiếp thị tạo nguồn khách phải rất chuyên nghiệp. Đầu tư cho phương tiện du lịch thủy, nhất là du lịch biển rất tốn kém… nên cần sự liên kết rộng trong vùng và quan tâm đầu tư của trung ương, bộ, ngành…”.


Mekong phải là con đường liên vận quốc tế. Hàng triệu đô la mỗi năm từ du lịch biển Tây là điều có thể nếu ta quyết tâm và biết tính toán. Có như vậy du lịch đồng bằng mới thật sự khởi sắc, mới có bước đột phá. Gần đây, Kiên Giang đã tích cực “mở mũi”. Tháng 6-2011 sẽ mở tuyến du lịch biển nối Kép với Hà Tiên. Địa phương này đang gấp rút lựa chọn công ty lữ hành, đơn vị vận tải biển và các thủ tục pháp lý có liên quan.


Về phía tỉnh Kép cũng đang khẩn trương xây dựng và nâng cấp cảng du lịch tại đây từ nguồn kinh phí 1,1 tỷ đồng do Kiên Giang hỗ trợ để sớm đi vào hoạt động. Đồng thời, Kiên Giang còn nghiên cứu mở thêm tuyến du lịch đường biển đến Preak Sihanouk (có gần 120km bờ biển) trong khi bạn còn đề nghị mở cả đường bay thẳng từ đảo Phú Quốc đến tỉnh Preak Sihanouk, Siem Riep và thủ đô Phnom Penh. Đó là những tín hiệu vui./.


URL: http://www.sggp.org.vn/kinhte/2011/5/256670/


Xem thêm:


Du lịch ĐBSCL: Nặng sông, nhẹ biển (1)


Mở hướng để khởi sắc du lịch biển – đảo tại ĐBSCL



Xem đầy đủ bài viết tại http://www.metinfo.vn/blog/?p=6736

No comments:

Post a Comment