Monday, 7 March 2011

Đám cưới của người Khmer Nam bộ

Tác giả : Thy Diệu


Thứ Hai,  7/3/2011, 22:35 (GMT+7)


(TBKTSG Online) – Cộng đồng người Khmer cư ngụ ở đồng bằng sông Cửu Long có những nghi thức và tập tục riêng trong lễ thành hôn của đôi tân lang và tân giai nhân. Ngày nay, sự thay đổi tất nhiên của đời sống hiện đại cũng ít nhiều ảnh hưởng đến văn hóa xã hội địa phương, tuy nhiên ngày cưới của người Khmer Nam bộ vẫn giữ được bản sắc văn hoá truyền thống của họ.


1


Người Khmer gọi đám cưới là Pi-pea, một nghi lễ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Khmer. Lễ cưới trong phóng sự này diễn ra tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.,


2


Ngày cưới, Pi-pea nghĩa là ngày “gối đôi”, ngày mà mọi thứ từ lễ vật đến người chúc phúc đều phải luôn là cặp đôi. Từ sáng sớm, nhà trai chuẩn bị lễ vật tươm tất để đến nhà gái xin làm lễ cưới.,


3


Trước khi lên đường, ở nhà chú rể, vị trưởng tộc cột sợi chỉ vào cổ tay chú rể trong lúc mọi người đọc kinh cầu nguyện. Một sợi chỉ buộc vào cổ tay như lời chúc phúc là một nét văn hóa của người Khmer. “Cột tay giống như cột chỉ se duyên, sợi dây tơ hồng”, ông ngoại của chú rể cho hay.,


4


Nhà trai trong trang phục đẹp và trịnh trọng đến nhà gái với sính lễ gồm tiền, trang sức, đồ kỷ niệm… và nhất thiết là luôn có hai bẹ hoa cau non (Phka-sla) đã được chuẩn bị rất chu đáo, đặt trên mâm phủ tấm lụa hồng hoặc vải quý.,


5


Sau nghi thức mở rào đón nhà trai, đại diện nhà gái ra tiếp nhận sính lễ, gọi cô dâu ra trình diện hai họ và tiến hành nghi thức dâng lễ vật.,


6


Đến nghi thức cúng tổ tiên, ông bà, vị chủ hôn (gọi là ông Maha) vừa đọc kinh vừa rắc nước phép (làm từ một số loại lá và cây sả) lên người cô dâu chú rể.,


7


Lễ cắt hoa cau là phần quan trọng nhất vì sau lễ này cô dâu và chú rể được coi là chính thức thành vợ chồng. Gia đình hai bên dẫn cô dâu và chú rể ngồi làm lễ sánh duyên cho đôi vợ chồng mới cưới, dưới sự chủ trì của ông Maha.,


8


Dưới sự chứng kiến của cha mẹ hai bên và sự chủ trì của ông Maha, hoa cau được ốp vào đèn cầy có bệ là trái dừa rồi đốt lên. Ông Maha cắt lấy hoa cau trắng rắc lên tân lang, tân nương và rắc từ chỗ ngồi cho đến đường đi vào buồng tân hôn để chúc phúc đôi uyên ương.,


9


Lễ cột tay tiếp nối sau đó. Họ hàng hai bên chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ sống trăm năm bằng cách lấy sợi chỉ hồng cột tay chú rể rồi đến cô dâu. Họ đàng trai cột tay phải cô dâu và chú rể, họ đàng gái cột tay trái chú rể và cô dâu, dưới sự chủ trì của ông Maha. Sau lễ cột tay, đôi vợ chồng dắt nhau vào buồng tân hôn. Cô dâu luôn đi trước, chú rể (có khi nắm vạt áo vợ – nếu là áo Sbai) theo sau.,


10


Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong ngày cưới của người Khmer. Những bài hát cổ truyền phản ánh các nghi thức của đám cưới Khmer từ lúc nhà trai sang nhà gái, bắt đầu cuộc vui, các lễ thức cắt tóc, giã thuốc nhuộm răng, cắt hoa cau để làm lễ rắc hoa cau cho cô dâu chú rể, lễ rút gươm khỏi bao, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ lạy mặt trời, lễ nhập phòng, lễ quét chiếu, lễ chào cha mẹ họ hàng… cho tới khi tiễn khách ra về.,


11


Trong khi họ hàng thân hữu dự đám cưới vui vẻ bên tiệc rượu vu quy ở nhà gái, đôi vợ chồng mới tranh thủ chụp ảnh lưu niệm ghi dấu những ngày hạnh phúc mở đầu cho một tổ ấm trăm năm.,


Bài đã đăng trên Thời báo KTSG Online


URL: http://www.thesaigontimes.vn/tinanh/49066/

Xem đầy đủ bài viết tại http://www.metinfo.vn/blog/?p=6484

No comments:

Post a Comment