Người ta còn nói với tôi rằng khi nước mắt nhà xưa rơi xuống thì những tiếng còi tàu của khách phương xa trên cả hai dòng Mekong ra biển sẽ thưa thớt lắm.
Vũ Thống Nhất
Dương gia bên trong Huỳnh phủ
“Đã có hàng trăm bài báo viết về hai ngôi nhà này nhưng lần đầu tiên Dương gia mới gặp Huỳnh phủ. Bữa cơm này để tôi trả nghe”. Người đàn ông 85 tuổi này là ông Dương Minh Hiển, chủ nhân nhà cổ Bình Thủy – Cần Thơ, 1/10 lý do du khách nước ngoài đến với đồng bằng (GS.TS E. Segemueller). Dương gia cất công sang Sa Đéc lần này để tận mắt chứng kiến Huỳnh phủ, “gốc rễ” của cuộc tình đẫm lệ không hồi kết giữa công tử họ Huỳnh (Thủy Lê) và nữ văn sĩ Marguerite Duras, tác giả tự truyện nổi tiếng “L’ Amant” (Người tình) đoạt giải thưởng Goncourt ngay sau đó rồi đi vào điện ảnh thế giới (1992) qua bộ phim cùng tên của đạo diễn Pháp Jean Jacques Annaud. Cả hai ngôi nhà đều là di tích cấp quốc gia.
Ông Hai Hiển trong nhà cổ Sa Đéc
“Có bốn ngôi nhà (ba ở Sa Đéc) được đưa lên khung hình của bộ phim nhưng khách du lịch, nhất là khách Pháp quan tâm hơn cả là nhà cổ họ Dương ở Bình Thuỷ và nhà cổ họ Huỳnh ở Sa Đéc”, Lê Hòa Hiệp – Phó GĐ Trung tâm điều hành hướng dẫn du lịch Đồng Tháp thông báo. Khi bộ phim được quay, Huỳnh Phủ là trụ sở cơ quan công quyền nên chỉ được quay bên ngoài, cảnh rước dâu, còn toàn bộ nội thất bên trong phải “mượn” các ngôi nhà khác.
Bút tích đạo diễn phim Người tình
Cả đồng bằng mênh mông chỉ có hai ngôi nhà treo những tấm hình liên quan đến cùng một người phụ nữ ngoại quốc. Nhờ sự lan tỏa của “L’ Amant” cả hai đã thăng hoa, tiếng tăm vượt biên giới nước Việt. Diện tích Huỳnh phủ còn lại so với nhà cổ Bình Thuỷ khá khiêm tốn (258m2/352m2) nhưng cùng hiện rõ nét truyền thống âm dương hai mái phương Đông kết hợp kiến trúc Pháp buổi giao thời, hoạ tiết hoa văn cây cỏ, chim muông bốn mùa, hệ thống vì kèo xuyên trinh…. đặc trưng Nam bộ.
Vùng trũng giữa nền nhà này chỉ có ở người Hoa, thần Tài sẽ chảy vô đó; ngày xưa, mỗi gram ốc xà cừ cẩn trên bộ phản ngang gram vàng; tủ sắt hiệu Boss cao hơn 2m là dấu hiệu của gia đình điền chủ nhưng đặt chưa đúng vị trí; nguyên gốc hai gian phòng ngủ phải là vách gỗ chứ không phải tường như vầy… Sự xuất hiện của Dương gia khiến những người đang khai thác Huỳnh phủ thích thú.
Bàn thờ Quan Công trong Huỳnh phủ
Có sự trùng hợp là họ Dương ở Bình Thủy và họ Huỳnh ở Sa Đéc đều là người Hoa, là những gia đình hằng sản, góp phần xây đình chùa nổi tiếng (đình Bình Thủy – Cần Thơ và chùa Ông Quách – Sa Đéc). Đất Nha Mân (Đồng Tháp) cũng là nơi ở của dòng họ Dương trước khi về định cư tại Cần Thơ 4 thế hệ. Thủa trước, họ Dương nức tiếng “lục tỉnh” bởi nhiều giai thoại như chuyện “so kè” mua cặp ngà voi dài 1,8m trên đường Catina (Sài Gòn) hay chuyện “đụng độ” với công tử Bạc Liêu khi hai xe qua cầu… Những dòng họ người Hoa cộng cư hàng trăm năm trên châu thổ này đóng góp rất lớn vào tính đa dạng văn hóa ẩn chứa bao điều kỳ thú của đất chín Rồng.
Đau đáu rêu phong
Gần 2 tiếng trong nhà cổ Sa Đéc đã thấy hàng chục du khách nước ngoài ghé thăm. Họ thong thả nhấp từng ngụm nước trà, nhấm nháp mứt gừng và “nuốt” từng lời hướng dẫn viên… “Mỗi tháng trung bình có gần 2 ngàn lượt khách tới tham quan, trong đó chủ yếu là khách người Pháp, còn lại là Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Australia, Hà Lan, Bỉ…”, Lê Thị Thanh Tuyền, hướng dẫn tiếng Pháp trong nhà cổ Sa Đéc nói vậy. Rất nhiều du khách đã bỏ ra 30USD chỉ để ngủ lại trong ngôi nhà này một đêm dù rằng, theo những người am hiểu, chưa một lần cô gái 15 tuổi Marguerite Duras dám bước chân vào ngôi nhà của người tình.
Du khách háo hức tìm hiểu Huỳnh Phủ
“Không có nơi chốn nào trong suốt cuộc đời tôi lại nhìn thấy được một dòng sông đẹp đẽ, vĩ đại và hoang dã như nơi đây. Sông Mê Kông và những phụ lưu của nó đổ ào ra biển, lưu lượng nước khổng lồ tự nhiên biến mất dưới sự sói mòn của đại dương. Trên một vùng bao la vô tận của tầm nhìn, con sông chảy uốn khúc trong trượt dốc của đất trời thấp xuống…” (Marguerite Duras). “L’ Amant” lay động tâm thức còn từ vẻ đẹp hoang sơ mùa nước nổi, những chiếc phà bồng bềnh nhẫn nại, những đêm mùa khô oi ả hay đợt gió chướng đổi mùa, bầy trẻ lững thững đánh xe trâu…vừa ảo vừa thực, rất sống động của hạ lưu Mekong. Khi đưa “Người tình” lên màn ảnh, đạo diễn không chỉ kể lại một mối tình sẽ còn làm rung động nhiều thế hệ, mà ông còn có một trọng trách “để 50 năm sau, khi người ta muốn biết về đất Nam Bộ giữa 2 cuộc chiến tranh, người ta sẽ xem phim của JJ.Annaud” (Nhà văn Sơn Nam).
Sa Đéc, “Phần đời xa thẳm ấy tạo ra tất cả những phần đời của tôi sau đó. Và điều lạ lùng, cuốn sách này còn như sự chiếu sáng, một cắt nghĩa cho tất cả những cuốn sách tôi đã viết ra” như chính Marguerite Duras thừa nhận. Vì vậy, đến tận bây giờ, cái thị xã êm đềm ven sông Tiền vẫn nằm trong cuộc tìm kiếm quá khứ của bao người. Dòng sông chảy qua Huỳnh phủ vẫn mải miết đi dù không còn bình lặng như thủa trước, cầu Mỹ Thuận thay thế những chuyến phà xưa, ngôi trường Trưng Nữ Vương còn đó… Sự tiếp nối hàng trăm năm giúp Sa Đéc vẫn quyến rũ âm thầm, bền bỉ. Những tour 7 ngày xuôi dòng Mekong với giá trên 3000USD/người liên tục được tổ chức mà ngôi nhà “Người tình Trung Hoa” luôn là điểm đến đầy mong đợi.
Nét xưa Huỳnh Phủ
Đồng Tháp đã ký kết với hàng chục Công ty du lịch lữ hành quốc tế, các hãng tàu du lịch trong ngoài nước như La Marguerite, L’Amant, Pandaw, CaiBe Princesse, Sông Xanh Sampan… đưa khách đến với Huỳnh phủ. Tour “Theo dấu chân người tình” đạt giải thưởng lớn tại Pháp.
Chợt buồn nước mắt nhà xưa
Những tấm hình, móc khóa có ảnh ngôi nhà và cặp tình nhân “buông tay theo số phận” là cách tiếp thị khá sáng tạo của du lịch Đồng Tháp. Tuy nhiên, nếu từ năm 2007 Huỳnh phủ mới được khai thác đã là thiệt thòi lớn thì việc tích cóp “tiền lẻ” từ những tour du lịch cao cấp cùng những dịch vụ giữ chân khách vẫn gợi nhiều trăn trở về việc bảo tồn, phát huy di tích trong cơ chế thị trường. “Ngồi trong nhà chưa đầy 10 phút là… chẳng biết làm gì”, ông khách Việt kiều mơ màng một không gian ven sông nhâm nhi caphe Việt, thưởng thức tự truyện Người tình hay xem những đoạn phim về đất và người Nam bộ…Bộ phim “Cầu sông Kwai” (đạo diễn người Mỹ David Lean) từng khiến Kanchanaburyn hoang vắng miền Tây Thái Lan, nơi có tuyến “đường sắt tử thần” chôn vùi 16.000 tù binh và 100.000 dân phu trong thế chiến thứ 2 vụt nhảy lên bản đồ du lịch thế giới. Hàng triệu du khách mỗi năm về đây minh chứng cho sự giao hòa giữa văn học, điện ảnh và cuộc sống. Người Thái đã làm giàu bằng tấm lòng với quá khứ.
Năm 2010, Jacques Deval, KTS, quy hoạch gia của Văn phòng phụ trách cảnh quan và mặt bằng tổng thể đô thị Paris cùng các thành phố lân cận đã đến Sa Đéc làm việc và tham quan nhà cổ. Jacques mong muốn đem đoàn kịch nghệ “Théâtre ecoute” (Pháp) từng dựng thành công tác phẩm của nữ văn sĩ đến biểu diễn, giao lưu văn hóa ở Sa Đéc cũng như một số thành phố khác trong vùng. Cơ duyên tuyệt vời đó liệu thành hiện thực?
Một góc nhà cổ Bình Thủy
“Tôi đã choáng mắt trước sự tráng lệ của ngôi nhà tuyệt vời này và mong muốn nhờ điện ảnh cho thế giới biết đến nơi đây”. Đạo diễn J.J Annaud thảng thốt về nhà cổ 5 gian 2 chái Bình Thủy. Nơi đây, tuổi trẻ như thấy được tiền nhân, tuổi già hoài niệm được quá khứ, kẻ tha phương xa xứ nghe được tiếng vọng về của gốc rễ cội nguồn, bè bạn xa hiểu thêm được lịch sử văn hóa dân tộc. Cái chất u hoài cổ kính, cái nơi gã trai lãng tử người Hoa quỳ lạy trước sập gụ xin cha cho cưới cô vợ đầm trong cơn mưa xối xả ngoài sân… đã “lôi tuột” mỗi năm hàng ngàn lượt du khách về đây để tận hưởng, chiêm ngưỡng.
Dấu xưa trong nhà cổ Bình Thủy
“Đó là nước mắt nhà xưa”, ông Hai Hiển bần thần chỉ những vệt sơn trắng chạy dài đè theo vết nứt ngang vách tường, rồi vì kèo mối mọt, nền lún… Không như Huỳnh phủ do ngành du lịch khai thác, Dương gia vẫn tự bảo tồn nhà cổ. Ông vừa được Bộ VHTTDL tặng kỷ niệm chương và vẫn ôm giấc mộng biến toàn khuôn viên 8000m2 thành khu du lịch sinh thái chứ không chỉ loay hoay đóng mở cổng để “nhặt” 10 ngàn đồng/khách ghé thăm nhà cổ. Khi đó “Nét xưa Bình Thủy” sẽ được phục dựng lại qua lễ cúng đình, lễ cưới, ẩm thực… Hơn 3 năm trước Cần Thơ đã từng có dự án nâng cấp làng cổ Long Tuyền (trên 16 tỷ đồng), trong đó điểm nhấn là trùng tu nhà cổ Bình Thủy. Và gần đây ngành du lịch cũng “đánh tiếng” đầu tư trở lại nhưng do kinh phí quá ít hay đầu tư dàn trải mà đến nay “vẫn chưa đến đâu”. Không chỉ 72 ngôi nhà cổ Cần Thơ đang tàn phai rất rõ mà hàng trăm nhà cổ khác trong vùng cũng oằn mình hứng chịu thách thức rất lớn của thời gian và cả…lòng người.
Chuẩn bị đám cưới trong nhà cổ Bình Thủy
Những ngôi nhà cổ, dòng chảy của quá khứ, hồn của miệt vườn, sông nước lưu bao dấu tích và giá trị của tiền nhân./.
Bài đã đăng trên báo SGGP ngày 9/3/2011.
URL: http://www.sggp.org.vn/phongsudieutra/2011/3/252505/
Xem đầy đủ bài viết tại http://www.metinfo.vn/blog/?p=6499
No comments:
Post a Comment